Cây tre Việt mãi xanh màu

Thứ năm - 18/07/2024 09:43

Cây tre bắt đầu xuất hiện trong huyền sử Việt thời dựng nước. Đó là chuyện Thánh Gióng đánh giặc Ân, khi gươm gãy thì nhổ tre tiếp tục đánh giặc. Để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Thánh Gióng ở làng quê, phong làm Phù Đổng Thiên vương.

 

 

Ngày nay suốt từ vùng Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn ở miền Bắc vẫn còn những dấu vết như dãy ao tròn nối nhau, người ta bảo đó là những vết chân ngựa của Thánh Gióng. Khu rừng bị ngựa sắt phun lửa thiêu cháy nay vẫn còn, mang tên là Làng Cháy. Những cây tre mà Thánh Gióng đã nhổ quật vào bọn giặc bị lửa đốt từ màu xanh ngả thành màu vàng và có những vết cháy lốm đốm, ngày nay là giống tre người ta thường gọi là tre là ngà hay tre đằng ngà.

 

Cây tre có mặt hầu như khắp nước ta, từ miền núi, miền đồng bằng Bắc bộ, đến Tây nguyên, miền duyên hải Trung bộ, qua miền Đông, miền Tây Nam bộ. Nơi nào có đất, dù màu mỡ hay bạc màu, tre cũng sống được. Bao quanh các làng mạc nông thôn là những lũy tre. Các bờ thành ngày xưa cũng được trồng tre. Tre trở thành loại cây bảo vệ người dân Việt. Tre cũng là vũ khí đánh giặc với những cây tầm vông, những thân tre vót nhọn làm bẫy chông…

 

Cây tre quá đổi thân thuộc với người quê. Đã có nhiều đứa trẻ ra đời trong những căn nhà cột tre, vách tre trát đất trộn rơm, mái tre lợp tranh… Chúng lớn lên, nằm ngủ trên chiếc chõng tre, ngồi học nơi bàn tre, ghế tre…

 

Chiếc bè tre lênh đênh trên sông, đứa bé ngồi lọt thỏm trong cái thúng tre được mẹ gánh theo ra chợ, cánh diều tre bay cao vút lên bầu trời, người thợ xây leo chênh vênh trên chiếc thang tre… là những hình ảnh không thể Việt Nam hơn.

 

 

Các vật dụng nội trợ quen thuộc của phụ nữ Việt hầu hết cũng được làm bằng tre. Rổ, rá, thúng, sọt, quang gánh, giường chõng, bàn ghế, đũa ăn, cái tăm tre trong mâm cơm… Các dân tộc ít người hầu hết dùng những ống tre để nướng cơm lam, tận dụng “muối của trời” trong lòng ống tre… Măng tre Mạnh Tông có mụt lớn hàng vài ký lô, măng le nhỏ như những ngón tay,… từ các bụi tre lớn mọc lên nhiều khi mùa mưa bắt đầu, là một món ăn không xa lạ gì với người Việt; từ mâm cơm nhà nghèo chỉ có món măng luộc đến bữa ăn sang trọng trong nhà hàng với các món măng chế biến cầu kỳ cùng thịt, cá…

 

Mùa Trung thu, trẻ con chơi những chiếc lồng đèn ông sao, đèn con cá, con thỏ, đèn kéo quân… đều có khung làm bằng tre.

 

Nhiều nhạc cụ được làm bằng tre. Từ những ống sáo trúc đến chiếc đàn tơ-rưng, chiếc goong ka-la (đàn ống tre)…

 

Nhiều mặt hàng mây tre lá như giỏ xách tay, giỏ cắm bông đến các món hàng thủ công mỹ nghệ bằng tre. Những gốc tre già được đục đẽo thành chân dung người đàn ông với bộ râu độc đáo hay đầu rồng uy nghi. Thậm chí người ta còn làm ra xe đạp khung tre vững chắc và đi được như xe đạp kim loại…

 

Những năm gần đây, họ nhà tre được tụ hội ở nhiều nơi trong nước bởi các đơn vị nhà nước hay tư nhân. Đó là những vườn tre bảo tàng, bảo tồn, nghiên cứu hay du lịch.

 

Miền Tây Nam bộ có con đường tre của gia đình ông Tư Sang ở xã Thanh Hòa, H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được nhiều khách đến tham quan. Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng, tỉnh Đồng Tháp cũng đã tiến hành sưu tập tre Việt từ Bắc đến Nam được khoảng 60 giống tre trong đó tre gai là nhiều nhất. Số lượng tre ở đây nhiều nhất tỉnh và tạo nên cảnh đẹp, góp phần thu hút đông đảo du khách.

 

Ở H.Củ Chi, TP.HCM có vườn tre 5 ngàn m2 của ông Võ Tuấn Sinh, một người địa phương vì hoài niệm về tre mà thành lập. Từ số giống tre địa phương như: tre gai, tre nỡ, tầm vông…, ông Sinh đã sưu tầm thêm nhiều giống tre khác, trong đó có giống tre Lục Trúc nhập về từ Đài Loan cho măng ngọt, được thị trường ưa chuộng. 

 

Ở miền Đông, tỉnh Bỉnh Dương có khu bảo tồn bảo tàng tre ở Phú An, H.Bến Cát được thành lập từ sáng kiến của một nữ tiến sĩ chuyên ngành. Đây là công trình hợp tác giữa tỉnh Bình Dương, vùng Rhône – Alpes (Pháp), Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và Trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM. Làng tre này có khoảng 1.500 bụi tre thuộc các giống loài khác nhau vừa là địa điểm tham quan vừa là nơi nghiên cứu và học tập của sinh viên.

 

 

Miền Trung, ở khu Suối Đá trên bán đảo Sơn Trà, TP.Đà Nẵng có Sơn Trà Tịnh Viên – là vườn bảo tồn hàng trăm loại tre trúc của nhà sư Thích Thế Tường. Nơi đây có những giống loài tre trúc hiếm như trúc Hóa Long chỉ có ở Bắc Kạn.

 

Trung tâm Khoa học lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc bộ, ở xã Chân Mông, H.Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ là nơi có nhiều giống loài tre trúc, trong đó có giống tre được gọi là tre ngọt cho những mụt măng dài đến 2 gang tay và ngọt. Loại măng này có thể nướng chấm muối ăn hoặc xào tỏi mà không phải qua công đoạn sơ chế luộc bỏ nước như các loài măng đắng thông thường khác. Ngoài vùng Phú Thọ, tre ngọt còn có ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai… của Bắc bộ.

 

Cây tre là một phần hồn cốt Việt Nam. Nó dã đi vào chuyện cổ tích Cây tre trăm đốt với chi tiết “khắc xuất, khắc nhập” mà người Việt nào từ đứa trẻ đến người lớn đều thuộc. Tre được nhắc đến trong nhiều bài thơ, ca dao.

 

“Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”.

 

Hồ Dzếnh viết: Làng tôi thắt đáy lưng tre – Sông dài cỏ mượt đường đê tứ mùa – Nhịp đời định sẵn từ xưa – Ươm tơ tháng sáu lên chùa tháng giêng (Lũy tre xanh).

 

Thơ của Viễn Phương được phổ nhạc: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác – Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát – Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam – Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng (Viếng lăng Bác).

 

Bài thơ Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy ấn tượng với nhiều người.

 

Tre xanh,

 

Xanh tự bao giờ?

 

Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.

 

Thân gầy guộc, lá mong manh,

 

Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?

 

Ở đâu tre cũng xanh tươi,

 

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.

 

Có gì đâu, có gì đâu,

 

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều.

 

Rễ siêng không ngại đất nghèo,

 

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.

 

 

Tôi theo dõi cuộc bình chọn quốc hoa cho Việt Nam được tổ chức mấy năm trước nhưng vẫn chưa có kết quả chính thức dù 60% trong số lượt bình chọn đã chọn hoa sen. Có lẽ do hoa sen đã là quốc hoa của nước Ấn Độ từ lâu nên không thể chọn trùng.

 

Tôi tự hỏi sao cứ phải là quốc hoa mà không thể là một loài cây, lá đặc trưng nào đó của địa phương. Đất nước Canada đã chọn lá phong là hình ảnh tiêu biểu cho quê hương mình.

 

Việt Nam, sao không thể là cây tre?

 

Nguồn: tcdulichtphcm.vn

 

Tác giả: web quan tri

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay790
  • Tháng hiện tại17,052
  • Tổng lượt truy cập104,148
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây