Ban nhạc lễ Đoàn Văn Sang (huyện Gò Dầu)
Tiên phong trong nhạc lễ ở Nam bộ, nghệ nhân - nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) được nhân dân miền Nam tôn vinh là vị Hậu tổ của nghệ thuật nhạc lễ, đờn ca tài tử. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ đã có nhiều nghệ nhân, nhạc sư, nhạc công, nhạc sĩ, ca sĩ.
Trong đó, có các nghệ nhân, nhạc sư có nhiều đóng góp cho nhạc lễ, nhạc tài tử ở Tây Ninh như các ông Cao Quỳnh Diêu được Hội thánh Cao Đài Tây Ninh phong cho chức Tiếp Lễ Nhạc Quân; ông Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang là những nghệ nhân cổ nhạc tích cực góp phần đưa cổ nhạc vào nhạc lễ Cao Đài.
Những năm 1930 trở về sau, ở Gia Lộc (Trảng Bàng), thị tứ Gò Dầu Hạ (Gò Dầu), đồn điền Vên Vên, Thái Hiệp Thạnh (thị xã Tây Ninh), chợ Long Hoa (Hoà Thành)...v.v… đều mở ra các châu đạo, phận đạo, thánh thất, điện thờ có các ban nhạc lễ của đạo Cao Đài với các nhạc cụ truyền thống.
Từ đây, nhạc lễ của đạo Cao Đài không chỉ phục vụ việc thực hành nghi lễ trong đạo mà còn đưa âm nhạc dân tộc vào đời sống thường ngày của cộng đồng và dần hình thành thói quen học nhạc, chơi đờn theo kiểu “tài tử”.
Các môn đệ, môn sinh của các ông Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Diêu, Quỳnh Cư như: ông Ba Lễ (đàn kìm), cô Sáu Điểu (đàn tranh), Hai Thiều (tỳ bà), Hữu Trí (đàn kìm, đàn cò)… là các nhạc sĩ ở Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Các ông truyền đạt và giảng dạy cho nhạc sĩ ở điện thờ, thánh thất các địa phương trong tỉnh.
Nhạc cụ nhạc lễ Tây Ninh.
Đến nay, từ Toà thánh Tây Ninh đến các thánh thất, điện thờ Phật mẫu của đạo Cao Đài ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có các ban nhạc lễ.
Ở Tây Ninh có nhiều nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú về nhạc lễ, đờn ca tài tử Nam bộ như Đỗ Văn Trượng (Thanh Hiền), Huỳnh Hữu Trí, Nguyễn Văn Long (Sáu Long), Huỳnh Hữu Ngoan, Lê Văn Lập (Đức Lập), Phan Thanh Trí (Thành Trí), Lê Hữu Đức, Đoàn Văn Sang, Út Đội.
Trong đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực Di sản văn hoá phi vật thể lần thứ tư, loại hình nhạc lễ, đờn ca tài tử Tây Ninh có Nghệ nhân nhân dân Lê Văn Lập (Bến Cầu) và 7 Nghệ nhân ưu tú gồm Võ Văn Đội, Đoàn Văn Sang (Gò Dầu), Bùi Văn Bé Em, Phạm Thị Ngọc Vân, Phan Thanh Tú (Hoà Thành), Nguyễn Tấn Phát, Nguyễn Đức Nguyên (thành phố Tây Ninh).
Các nghệ nhân luôn chú trọng trong việc đào tạo nên các thế hệ kế thừa để bảo tồn và phát huy nghệ thuật nhạc lễ ở Tây Ninh nói riêng và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ nói chung, góp phần phát triển bộ môn nghệ thuật dân gian nhạc lễ và nhạc tài tử Nam bộ ở Tây Ninh.
Trình diễn nhạc lễ trong Ngày hội Văn hoá dân gian năm 2024.
Ở huyện Gò Dầu có Nghệ nhân dân gian Đoàn Văn Sang chuyên về nhạc lễ dân gian. Ông thành lập ban nhạc lễ đi phục vụ trong các lễ thức ở đình, miếu, nghi lễ dân gian, nghi lễ Phật giáo, đờn ca tài tử, biểu diễn trong các liên hoan âm nhạc dân tộc… Bên cạnh đó, ông còn mở lớp đào tạo học trò về nhạc lễ tại nhà và dẫn đi thực hành trong các lễ thức để trau dồi kinh nghiệm.
Còn Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Long (Sáu Long), ngụ phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành có nhiều đóng góp cho bộ môn nhạc lễ đạo Cao Đài Tây Ninh. Ông dành trọn cuộc đời giảng dạy nhạc lễ cho nhiều thế hệ học trò, nhất là các học trò ở độ tuổi thanh thiếu nhi trong và ngoài tỉnh hoàn toàn miễn phí.
Để lan toả nhạc lễ trong đời sống đương đại, thuận tiện cho việc truyền dạy nhạc lễ ở xa, các nghệ nhân nhạc lễ ở Tây Ninh, nhạc công Phi Long đã ghi hình rồi đăng tải lên kênh YouTube, trang mạng xã hội và dạy online. Việc này đã đưa nhạc lễ Tây Ninh (nhạc lễ dân gian và nhạc lễ Cao Đài) đến gần hơn với đại chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Phương pháp giảng dạy nhạc lễ của các nghệ nhân chủ yếu theo lối “cầm tay chỉ việc”, dạy lý thuyết song song với thực hành. Người học nhạc lễ phải nắm được các bài bản được cải biên liên tục từ 72 bản nhạc cổ, đặc biệt là từ 20 bài gốc (bản tổ) cho 4 điệu (hơi); hiểu hết các nhạc cụ, cách phân chia nhạc cụ theo bát âm, ngũ hành, theo phe, bộ…
Nhạc lễ trong đạo Cao Đài ở Tây Ninh.
Ban nhạc lễ đủ nhất gồm 7 nhạc công, trong đó 1 nhạc công đánh trống, 3 nhạc công đờn, 2 nhạc công đánh bạc, 1 nhạc công đánh mõ. Hiện nay, phần lớn các ban nhạc lễ thường có 3 đến 5 nhạc công, có những nghi thức đơn giản chỉ 1 đến 2 nhạc công nhưng vẫn thực hiện đầy đủ các loại nhạc cụ khi thể hiện một bản nhạc lễ.
Khi xưa, bất cứ lễ nghi nào cũng cần phải có nhạc lễ, không có nhạc sẽ không thành lễ. Nay, nhạc lễ chỉ còn xuất hiện trong những dịp cúng bái, tế lễ ở đình, miếu, các cơ sở tôn giáo của Phật giáo, Cao Đài và đám tang. Tuy có sự thu hẹp nhưng dòng nhạc lễ dân gian vẫn còn vai trò rất quan trọng trong tín ngưỡng, tôn giáo và đời sống của người dân Tây Ninh và cả Nam bộ.
Tác giả: Phí Thành Phát
Nguồn tin: baotayninh.vn
Những tin cũ hơn