Nhắc đến Tây Ninh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các địa danh nổi tiếng như: Trung ương Cục miền Nam, Núi Bà Đen, Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh…. Bên cạnh đó, có một điểm đến mà du khách có thể dừng chân khám phá, tìm hiểu văn hoá, lịch sử. Nơi đây được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật Quốc gia năm 1993. Đó là Tháp cổ Bình Thạnh, một ngôi tháp cổ hơn nghìn năm tuổi, được cho là có từ thời kỳ “văn hóa Óc Eo” còn lại tương đối nguyên vẹn tại Tây Ninh.
Tháp cổ Bình Thạnh – Kiệt tác văn hóa Óc Eo hơn 1.000 năm tuổi (Nguồn: Internet)
Có thể nói, Tháp cổ Bình Thạnh là ngôi tháp còn nguyên vẹn nhất (cùng tháp cổ Chót Mạt, cũng ở Tây Ninh), trong số rất ít di tích tháp cổ còn lại thuộc nền văn hoá Óc Eo, mang trong mình những giá trị kiến trúc mỹ thuật cổ tuyệt hảo của thời kỳ xa xưa. Vì thế, nó trở thành một trong những di tích kiến trúc cổ quí giá của Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
Ngôi tháp nằm ở nằm bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, cách phường Trảng Bàng 15km đường chim bay về phía Tây. Từ Trảng Bàng, theo quốc lộ 22A qua Thị trấn huyện Gò Dầu đến xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, rẽ trái đi độ chừng 10km là đến ngõ vào tháp ở bên phải đường.
Tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng trên một gò đất đắp cao – xung quanh là cánh đồng đầy lúa thuộc ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Ban đầu, tổng thể khu di tích gồm 3 tòa tháp, nhưng hiện nay chỉ duy nhất ngôi tháp chính phía Nam còn khá nguyên vẹn, hai tòa tháp kia chỉ để lại dấu tích là phần nền móng hình vuông. Ngắm nhìn tháp cổ, bạn sẽ nhận thấy phong cách kiến trúc nơi đây có đôi chút quen thuộc bởi tòa tháp được xây dựng hầu như hoàn toàn từ những khối vật liêu đất nung (tựa như “gạch thẻ” ngày nay) xếp chồng khít lên nhau, tương tự như một số công trình Tháp Chăm nổi tiếng ở miền Trung nước ta.
Điều đặc biệt là giữa các khối gạch và đá không phát hiện mạch vữa, chúng được liên kết vô cùng chắc chắn mà không cần bất kỳ chất kết dính nào. Đây là một kỹ thuật xây dựng đặc biệt mà người Chămpa cổ sử dụng để xây dựng tháp, đến nay vẫn như là bài toán chưa có lời giải đáp hoàn toàn chính xác.
Tòa tháp còn lại này cao 10m, xây dựng trên nền đất cao hình vuông, mỗi cạnh dài 5m, tương ứng với 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Cửa chính tòa tháp quay về hướng Đông, cao 2m và rộng 1m, được xây nhô hẳn ra ngoài, khung cửa ghép từ 4 phiến đá được đục đẽo, mài nhẵn sắc cạnh, phiến đá đặt phía dưới khoét lỗ tròn 2 bên để gắn con quay cánh cửa.
Hoa văn được chạm khắc trên cửa chính và xung quanh chân tháp (Nguồn: Internet)
Cửa chính nổi bật với họa tiết phù điêu khắc nổi ở các vách, phía trên đặt phiến đá hình chữ nhật cao 0,8m và rộng 2m chạm khắc hình bông cúc được cách điệu tinh xảo. Ba hướng còn lại xây dựng cửa giả, cũng được chạm khắc, đắp nổi hoa văn khéo léo. Mô-típ trang trí họa tiết lặp lại ở mỗi tầng và thu nhỏ dần lên cao. Mỗi họa tiết mang ý nghĩa hàm súc.
Vùng đất Tây Ninh ngày nay từng nằm trong vùng đầu mối giao thương quan trọng cách đây hàng ngàn năm. Nơi đây có sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng. Ngoài ra, tại đây còn nhiều giá trị lịch sử tiềm ẩn khác về văn hóa, tự nhiên mà các nhà sử học, nghiên cứu khảo cổ, nhà văn hóa học vẫn đang tiếp tục khám phá. Mà Tháp cổ Bình Thạnh cũng là một trong những dấu tích khảo cổ mang ý nghĩa ấy.
Chính vì những giá trị này mà di tích Tháp Bình Thạnh- Tây Ninh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Kiến trúc- Nghệ thuật Quốc gia (tại Quyết định 937/QĐ-BT ngày 23/07/1993).
Tòa tháp được trùng tu gần như nguyên vẹn (Nguồn: Internet)
Như vậy, khi đến với Tây Ninh chúng ta có thể đưa địa điểm Tháp cổ Bình Thạnh vào trong lịch trình để góp phần phong phú thêm cho chuyến đi của chúng ta. Ngoài ra, đây cũng sẽ là nơi để chúng ta tìm hiểu về nền văn hoá lâu đời đã từng tồn tại từ hơn 1.300 năm trước.
Một số công ty đã và đang xây dựng tour tuyến để du khách thuận tiện khám phá di tích này như Công ty Du lịch Hương Sen Việt, Công ty Du lịch Saco Chi nhánh Tây Ninh, Công ty Vietravel Chi nhánh Tây Ninh…
Du khách có thể tìm hiểu thông tin thêm về Tháp cổ Bình Thạnh hoặc thông tin về du lịch Tây Ninh thông qua các hạ tầng số của Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Tây Ninh.
1.Website: https://dulich.tayninh.gov.vn
2.Fanpage: https://www.facebook.com/tpictayninh
3.Kênh Youtube: Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Tây Ninh
4. Kênh ZOA: TT Thông tin xúc tiến du lịch Tây Ninh
5. Bản đồ số: https://dulich.ttv11.com.vn.
Tác giả: web quan tri
Những tin cũ hơn