Tây Ninh là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, phía Tây và Bắc giáp 3 tỉnh Svayriêng, Prâyveng và Tbong Khmum thuộc Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km. Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Tây Ninh là một quá trình khai lập, bảo vệ, chiến đấu và xây dựng không ngừng từ nhiều trăm năm trước.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khu căn cứ địa Bắc Tây Ninh đã từng được mệnh danh là “thánh địa” của cách mạng miền Nam, nối liên hoàn với Chiến khu Đ (thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương), Khu 6 và miền Tây Nam Bộ). Khu căn cứ địa Bắc Tây Ninh là nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam qua các thời kỳ như: Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam. Tháng 3/1951, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, để thay mặt BCHTW Đảng ủy tổ chức, chỉ đạo toàn bộ phong trào cách mạng đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam. Giai đoạn này, Trung ương Cục miền Nam đứng chân trên địa bàn huyện Sử Đập Đá - Chắc Băng thuộc vùng U Minh Thượng, tỉnh Cà Mau (nay thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang).
Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương được ký kết, ngày 06/9/1954, Bộ Chính trị ra Chỉ thị, nêu rõ nhiệm vụ trước mắt của miền Nam là: Thi hành triệt để Hiệp định đình chiến và đòi Pháp cũng phải thi hành đúng Hiệp định; Chuyển hướng công tác cho thích hợp với điều kiện hòa bình; Đoàn kết rộng rãi, tập hợp mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình, giải thể Trung ương Cục miền Nam, lập lại Xứ ủy Nam Bộ và các Khu ủy”.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam. Ngày 23/01/1961, thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba (khóa III) quyết định tái thành lập cơ quan Trung ương Cục miền Nam.
Về phạm vi lãnh đạo, từ năm 1961 đến đầu năm 1965, Trung ương Cục chỉ đạo toàn bộ công tác Đảng ở miền Nam, bao gồm các Đảng bộ Nam Bộ, Khu VI, Liên khu V và Trị Thiên. Đầu năm 1965, Liên khu uỷ V và Khu uỷ Trị Thiên tách ra trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục trực tiếp chỉ đạo Đảng bộ Nam Bộ và khu VI cho đến năm 1975.
Sau Hội nghị mở rộng lần thứ I, ngoài Văn phòng và một số ban giúp việc đã được thành lập từ trước, những tháng cuối năm 1961, Trung ương Cục gấp rút xây dựng và củng cố các cơ quan chuyên môn giúp việc nhằm giúp Trung ương Cục chỉ đạo toàn diện phong trào cách mạng miền Nam. Tính đến năm 1965, Trung ương Cục miền Nam đã tổ chức ra các cơ quan chuyên môn như: Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Cơ yếu, Ban Quân sự Miền, Ban Kinh tài, Ban Giao bưu, Ban Binh vận, Ban An ninh, Ban Tuyên huấn, Ban Thông tin…
Để bảo đảm an toàn và lãnh đạo cuộc kháng chiến đến ngày toàn thắng 30/4/1975 (từ năm 1961 đến 1975), Trung ương Cục miền Nam đã tổ chức di chuyển nhiều địa điểm. Thời kỳ đầu, Trung ương Cục chọn căn cứ Khu A, bao quát gồm Chiến khu Đ (Suối Nhung - Mã Đà - Chiến khu Đ) mở rộng lên phía Phước Long, Bình Long, Quảng Đức đứng giữa Trung Nam Bộ để xây dựng căn cứ Trung ương Cục, lãnh đạo toàn bộ chiến trường miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào.
Sau một thời gian đứng chân ở Chiến khu Đ, trong tình hình quy mô và cường độ của cuộc chiến tranh từ nhiều phía, tháng 02/1962 Trung ương Cục miền Nam quyết định di chuyển căn cứ của cơ quan thường vụ và các cơ quan giúp việc về Căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Vì Tây Ninh là địa bàn chiến lược rất quan trọng, với địa hình rừng núi trải rộng nối liền cực Nam Trung Bộ với đồng bằng Tây Nam Bộ, đặc biệt là nhân dân các dân tộc có truyền thống yêu nước. Đó là có điều kiện để Đảng ta chỉ đạo xây dựng hình thành nhiều căn cứ kháng chiến và thuận lợi lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cánh mạng hệ thống căn cứ liên hoàn, tạo thế vững chắc cho lực lượng kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Khi về trú đóng tại Căn cứ địa Bắc Tây Ninh các cơ quan đóng thành từng cụm như: Lò Gò, Tà Nốt, Đồng Pan, Xa Mát, Kà Tum, Bổ Túc, Rùm Đuôn, Chàng Riệc. Thời kỳ đầu công tác bảo mật ở đây rất chặt chẽ trong việc ăn ở, đi lại trong căn cứ “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” và “không có tiếng gà gáy, tiếng khóc trẻ em, không lọt ánh sáng đèn ban đêm” đều trở thành những hiệu lệnh nghiêm khắc của căn cứ.
Để bảo đảm an toàn, bí mật, tên gọi của Trung ương cục miền Nam theo từng giai đoạn cũng thay đổi nhiều tên gọi và mật danh khác nhau để sử dụng liên lạc, như: A9, M40, Ba Đình, Năm Trường… Mật danh “R” là viết tắt từ tiếng pháp “Region” có nghĩa là “xứ” hay “miền” là được dùng nhiều nhất.
Trong 15 năm (1961 - 1975), Dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Trung ương Cục đã trở thành trung tâm đầu não chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân cách mạng miền Nam. Trung ương Cục miền Nam đã tiến hành 16 Hội nghị toàn thể để nhận định, đánh giá tình hình, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam. Nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Bác Hồ đã được triển khai cụ thể hóa từ trung tâm này để lan rộng ra toàn chiến trường miền Nam. Căn cứ Trung ương Cục đã trở thành trung tâm đầu não chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân cách mạng miền Nam, làm thất bại, phá sản các chiến lược của Mỹ, ngụy chiến trường miền Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa khoa học như trên, năm 1990 Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 839-QĐ ngày 31/8/1990. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg về việc xếp hạng Khu Di tích quốc gia Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, gồm 3 khu di tích: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Năm 1992, Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được chính thức khởi công tu bổ, tôn tạo cho đến ngày 30/4/1994 khánh thành đưa vào sử dụng phục vụ khách tham quan gồm các hạng mục: phục dựng 1.253m giao thông hào, làm 1.370m đường nội bộ; phục chế 8 nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam: Đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Võ Văn Kiệt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Phạm Thái Bường, đồng chí Phan Văn Đáng, đồng chí Phạm Văn Xô, đồng chí Trần Nam Trung và nhà Thường trực, văn phòng, hội trường; làm 13 hầm chữ A trú ẩn.
Nhà Bác sĩ – Thư ký Phục vụ đồng chí Nguyễn Văn Linh Nguồn: Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam.
|
Nhà Bác sĩ – Thư ký Phục vụ đồng chí Phạm Hùng Nguồn: Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam.
|
Nhà Bác sĩ – Thư ký Phục vụ đồng chí Nguyễn Chí Thanh Nguồn: Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam. |
Nhà Đồng chí Võ Văn Kiệt Nguồn: Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam.
|
Nhà cận vụ Phục vụ đồng chí Nguyễn Văn Linh Nguồn: Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam. |
Nhà cận vụ Phục vụ đồng chí Phạm Hùng Nguồn: Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam.
|
Nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh Nguồn: Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam. |
Nhà Đồng chí Phạm Thái Bường Nguồn: Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam.
|
Nhà Đồng chí Phạm Văn Xô Nguồn: Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam.
|
Nhà Đồng chí Phan Văn Đáng Nguồn: Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam.
|
Nhà Đồng chí Trần Nam Trung Nguồn: Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam.
|
Tháng 10/2002, nhằm khắc phục những hạn chế sai sót của công trình tu bổ, tôn tạo đợt 1 (1992 - 1994), đồng thời để bảo đảm phù hợp với lịch sử xây dựng và phát triển Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vừa để đảm bảo sự khang trang bền vững, lâu dài của di tích; bám sát các tư liệu lịch sử và góp ý của các đồng chí lão thành cách mạng đã từng làm việc tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trước đây, Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được khởi công tu bổ, tôn tạo (đợt 2). Sau hơn 02 năm thi công tu bổ, tôn tạo di tích, các công trình xây mới Nhà trưng bày, Nhà tưởng niệm, Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được đưa vào phục vụ khách tham quan, về nguồn từ năm 2005 đến nay.
Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam là nơi tập trung cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam, thay mặt cho Trung ương đảng vả Bộ chính trị để thực hiện đường lối, nhiệm vụ cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đây là nơi ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam; nơi sống và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng, trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ từ năm 1962 - 1975 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Vì vậy, Khu di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam có giá trị thiết thực nhiều mặt mà đặc biệt là có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học.
Thực tiễn sinh động hào hùng nhưng hết sức khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến đã chứng minh quyết định xây dựng căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Chiến khu Bắc Tây Ninh là một chủ trương đúng đắn sáng tạo của Đảng ta. Trung ương Cục đã để lại những bài học quý báu, bài học về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn bó máu thịt với nhân dân; Bài học chủ động tiến công địch về mọi mặt, đánh lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đặc biệt về bài học xây dựng đảng chặt chẽ về tổ chức, vững vàng về chính trị, giỏi về công tác quần chúng là điều kiện tiên quyết dẫn đến thắng lợi của cách mạng nước ta trước kia cũng như công cuộc đổi mới hiện nay.
Tác giả: web quan tri
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn