Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là điểm đến hấp dẫn khách du lịch

Thứ năm - 07/11/2024 11:16

Việc bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt Trung ương cục miền Nam sẽ tạo nguồn lực để Tây Ninh phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn theo định hướng của Đảng bộ và chính quyền tỉnh.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại nhà trưng bày Khu di tích.

Ngoài công tác giáo dục truyền thống, khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam còn là điểm đến hấp dẫn khách du lịch dành cho mọi lứa tuổi đến khám phá, trải nghiệm và du lịch về nguồn... qua đó, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tu bổ, tôn tạo một số hạng mục, công trình

Hiện toàn tỉnh có 96 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh. Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được xem là một thế mạnh của địa phương để khai thác, phát huy giá trị, thu hút, phát triển du lịch. Tiêu biểu trong hệ thống đó là Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã và đang được khai thác, phát huy giá trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, địa chỉ đỏ trong giáo dục lịch sử cách mạng Việt Nam. 

Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, trong Vườn quốc gia Lò gò – Xa Mát. Trong những năm qua, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quan tâm đầu tư, bảo tồn và UBND tỉnh Tây Ninh gìn giữ, phát huy giá trị.

Chiến tranh đã qua, di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trở thành nơi lưu giữ những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng bao cán bộ, chiến sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam Bộ. Với những giá trị đặc biệt, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ khởi công dự án Tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Trong những năm qua, Ban quản lý các khu Di tích lịch sử Cách mạng miền Nam có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy 10 di tích, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Xác định việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các di tích là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, thời gian qua, Ban quản lý luôn chú trọng công tác bảo vệ, tôn tạo, khai thác giá trị di tích.

Theo Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam, hiện nay, Khu di tích đang được tỉnh triển khai Dự án tu bổ, tôn tạo một số hạng mục, công trình (với tổng mức đầu tư 65,87 tỷ đồng), nhằm phục vụ tốt hơn lượng khách đến thăm di tích ngày càng đông đảo, tăng sức hấp dẫn của điểm đến, xứng tầm là 1 trong 4 điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.2025).

Ngoài ra, trong thực hiện nhiệm vụ hàng năm, Ban quản lý thường xuyên khảo sát, đánh giá hiện trạng các công trình hạng mục, kịp thời báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích. Đơn vị áp dụng nhiều biện pháp chống xuống cấp di tích, kịp thời tu sửa các hạng mục phục chế bị hư hỏng… bảo đảm hoạt động tham quan của du khách được thông suốt.

Bên cạnh đó, xác định công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản hiện vật tại di tích là nhiệm vụ quan trọng, quyết định sự trường tồn của di tích, hàng năm, Ban quản lý tổ chức 1 đến 2 đợt sưu tầm hiện vật. Ngoài các hiện vật được Ban Chỉ đạo sưu tầm, đến nay, đơn vị đã sưu tầm thêm những tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý, có giá trị lịch sử cao từ các nhân chứng lịch sử đã từng hoạt động tại Căn cứ Trung ương cục miền Nam, đảm bảo nguồn tư liệu phong phú để bổ sung, điều chỉnh trưng bày phục vụ khách tham quan.

Công tác bảo quản hiện vật được thực hiện định kỳ, đảm bảo tốt các tài liệu, hiện vật được lưu trữ. Ngoài ra, công tác kiểm kê, phân loại và lập lý lịch hiện vật cũng được quan tâm thực hiện.

Quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị Di tích

Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam cho biết, mặc dù công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Trung ương cục đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Thiếu nhân sự làm công tác nghiệp vụ bảo quản, kiểm kê, thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan, mặc dù Ban quản lý có tổ chức tuyển dụng nhưng do đặc điểm khu di tích nằm vùng biên giới, giáp ranh với nước bạn Campuchia nên khó khăn trong công tác tuyển dụng, nhất là người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vào làm việc lâu dài.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện số hóa các tư liệu di tích còn chậm. Công tác quảng bá hình ảnh về di tích còn hạn chế, chưa xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt. Các dịch vụ lưu trú, sản phẩm lưu niệm chưa thu hút và chưa đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

Du khách tham quan tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Ban quản lý tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý, hướng dẫn viên du lịch và nhân viên phục vụ. Định hướng xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ tốt để phục vụ nguồn khách quốc tế đến tham quan di tích.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giới thiệu, thuyết minh phù hợp với nhiều đối tượng du khách. Xây dựng các tuyến điểm tham quan tại các di tích hợp lý, hiệu quả.

Thực hiện đa dạng các hình thức quảng bá hình ảnh, các giá trị tiêu biểu và các hoạt động nổi bật của di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội.

Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư khai thác, phát triển các dịch vụ ăn, uống; nâng cấp dịch vụ lưu trú của di tích, nhằm tăng khả năng lưu lại của du khách; đa dạng các sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng, thương hiệu của địa phương.

Tác giả: Nhi Trần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay8
  • Tháng hiện tại17,273
  • Tổng lượt truy cập104,369
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây