NGUỒN GỐC LỄ KỲ YÊN
Lễ Kỳ Yên đã xuất hiện từ rất lâu trong phong tục thờ lễ thần của người Việt. Thời xưa, khi di dân vào phương Nam sinh sống, ông bà ta đã phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và nhiều hiểm họa khôn lường. Lúc bấy giờ, để cầu mong cuộc sống được bình an và ấm no, những người dân ở đây thường xuyên tổ chức lễ cúng cầu an tại các ngôi đình, trao gửi niềm tin của mình cho những vị thần thánh linh thiêng. Và dần dần, vùng Nam Bộ hình thành nên lễ hội Kỳ Yên. Lễ Kỳ Yên là một trong những lễ hội lâu đời nhất, thể hiện rõ những điểm đặc trưng trong văn hóa đình làng của dân Nam Bộ nói riêng và người Việt nói chung.
Lễ Kỳ Yên là ngày hội của làng, là lễ tế thần Thành hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình thần làng đó. Kỳ Yên ở đây mang ý nghĩa là cầu bình an, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi và cầu cho xóm làng luôn thịnh vượng, ấm no. Đây là dịp để dân làng tụ họp và chia sẻ cùng nhau những câu chuyện gia đình. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng xuất hiện khá phổ biến trong cuộc sống của người Việt. Theo quan niệm của người dân, Thành hoàng làng là vị thần bản mệnh, là chỗ dựa tâm linh cho cả cộng đồng làng
LỄ KỲ YÊN ĐÌNH GIA LỘC
Đình Gia Lộc tọa lạc tại khu phố Lộc Thành, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng. Được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, đây là một trong những công trình mang dấu ấn lịch sử, thờ Ông Cả Đặng Văn Trước, người được xem là có công rất lớn trong quá trình khai hoang, lập ấy nơi đây. Vì thế, để ghi nhớ công ơn to lớn của ông, nhân dân trong làng đã cùng nhau xây đền thờ riêng ông, lại tôn ông làm Thành hoàng làng, đồng thờ tại đình Gia Lộc (trên khu đất thuộc khu phố Lộc Thành ngày nay). Vào cuối của triều Nguyễn, vua Bảo Đại (năm thứ Tám), đã ban sắc, phong cho vị Thành Hoàng Bổn Cảnh làng Gia Lộc là “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần” (vào ngày 29/8/1933).
Lễ sẽ được thường diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân địa phương sẽ tổ chức Lễ Kỳ Yên tại đình để cầu nguyện cho mưa thuận gió hoà, cuộc sống an lành, mùa màng bội thu, cũng [A1] là để kỷ niệm ngày mất của ông (05/3 Bính Tuất, tức ngày 11/4/1826).
NGHI THỨC LỄ CÚNG
Lễ Kỳ Yên thường được tiến hành trong 3 ngày, gồm 2 phần là lễ và hội.. Lễ cúng đình gồm các nghi thức: Thỉnh sắc thần, chánh lễ, cúng tiền vãng, túc yết, xây chầu – đại bội và ẩm phước.
Lễ Kỳ Yên sẽ bắt đầu vào 6 giờ sáng. Dân làng sẽ tiến hành làm lễ thỉnh sắc thần từ đền thờ Ông Cả về đình Gia Lộc. Chánh lễ lấy sắc thần được bọc bằng vải hay lụa đỏ đựng trong một chiếc ống thiếc có nắp đậy, trải sắc ra, bọc cuốn lại bằng khăn điều mới, rồi đặt lên kiệu. Kiệu sử dụng trong nghi thức này được trang hoàng lộng lẫy, sơn son thếp vàng, được 8 người khiêng.
Lễ Kỳ Yên đình Gia Lộc huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh
(nguồn https://mia.vn/cam-nang-du-lich/trai-nghiem-le-ky-yen-dac-sac-o-vung-dat-tay-ninh-8794)
Sắc thần được rước vào đình, tiến hành cúng an vị, cúng tiền vãng (cúng những vị có công xây dựng đình).
Kế tiếp, lễ túc yết được xem như một nghi lễ xin ra mắt, yết kiến. Phẩm vật dâng lên bao gồm 2 con heo quay, 1 con heo sống để tưởng nhớ những công lao to lớn của thời ông cha.
Trong lễ kỳ yên, lễ xây chầu - đại bội (chầu hát cầu mùa màng bội thu) là lễ thức quan trọng. Xây chầu không thể thiếu trống chầu. Người xây chầu là người cao tuổi, thể hiện sự trường thọ, người có đạo đức và nắm rõ nghi thức hành lễ.
Cuối cùng là nghi lễ ẩm phước, phân phát lộc của các vị thần đến cho dân làng.
Ý NGHĨA LỄ KỲ YÊN ĐÌNH GIA LỘC
Lễ cúng thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, sự gắn kết cộng đồng, không chỉ trên địa bàn xã Gia Lộc, phường Trảng Bàng hay của thị xã Trảng Bàng, mà còn có sức lan tỏa đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Cũng trong Lễ Kỳ Yên, công tác xã hội luôn được Ban Khánh Tiết đình quan tâm, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã quyên góp ủng hộ tiền và vật chất, giúp cho hàng trăm hộ gia đình nghèo của xã Gia Lộc và phường Trảng Bàng có những phần quà giúp đỡ họ phần nào trong cuộc sống để vượt qua khó khăn.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của lễ hội, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định ghi danh Lễ hội Kỳ yên ở đình Gia Lộc vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống, tại Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2012.
Bên cạnh đó, từ năm 1994, đình Gia Lộc cũng đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 3211/QĐ-BVHTTDL ngày 12/12/1994.
Mọi thông tin, vui lòng liên hệ:
[A1]Ông cả Trước mất ngày 05/3 Bính Tuất (11/4/1826)
Tác giả: web quan tri
Những tin cũ hơn